Ở các bài viết trước, Baby Autoru đã mang đến những thông tin cơ bản về bệnh tay chân miệng ở trẻ em, cũng như dấu hiệu và các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Và hôm nay, Baby Autoru sẽ gửi đến các bậc phụ huynh cách phòng, chăm sóc và điều trị bệnh.
CÁCH PHÒNG BỆNH
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người như trường học, nhà trẻ...Vì vậy, bố mẹ cần nắm được những cách trên để phòng ngừa bệnh kịp thời và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh, gây tổn thương cho bé. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn phải đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho. Ngoài ra, trong 10 - 14 ngày đầu khi nhiễm miệng, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người.
CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC
Khi phát hiện một số dấu hiệu của bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm để chẩn đoán đúng bệnh.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin.
Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt...Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm. Lưu ý cần theo dõi bé thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị biến chứng nguy hiểm nếu có.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng: Về chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết.
Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày.
Đối với các bé lớn hơn, cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ…Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.
Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở đối với bệnh tay chân miệng phân độ 1. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu từ độ 2a trở lên.
Các bậc phụ huynh nên lưu ý các biểu hiện bất thường của trẻ, tuyệt đối không nên tự chữa trị ở nhà bằng các phương pháp dân gian. Hãy đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được kịp thời điều trị.
Hy vọng các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn về bệnh tay chân miệng để phòng ngừa và chữa trị cho bé. Chúc các bố mẹ sẽ chăm sóc bé luôn khỏe mạnh!
Để nhận thêm những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm,... trong việc chăm sóc và nuôi dạy con trẻ, Quý vị vui lòng theo dõi và liên hệ Baby Autoru theo thông tin bên dưới:
TƯ VẤN TRỢ GIÚP ONLINE
Hotline: 0939 20 39 10
Email: autoru.vn@gmail.com
Website: www.babyautoru.com
ĐỊA CHỈ
Cửa hàng: 62 Nguyễn Bá Tuyển, Phường 12, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Kho hàng: 22 Trịnh Thị Miếng, ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh